Sunday, July 31, 2011

divangcuoctinh

Tạo hứng thú cho người học luôn là một vấn đề quan trọng trong hoạt động dạy - học. Bởi vì, như chúng ta biết, dạy - học là một hoạt động phức tạp, trong đó chất lượng, hiệu quả cơ bản phụ thuộc vào chủ thể nhận thức - người học. Và điều này lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: năng lực nhận thức, động cơ học tập, sự quyết tâm... (các yếu tố chủ quan); nó còn phụ thuộc vào: môi trường học tập, người tổ chức quá trình dạy học, sự hứng thú trong học tập (các yếu tố tương tác). Ở đây chúng tôi quan niệm, sự hứng thú trong học tập như là hệ quả của các yếu tố tương tác.

:xayda:

Các nhà nghiên cứu tâm lý học cho rằng, hứng thú là thái độ đặc biệt của cá nhân đối với đối tượng nào đó, nó có ý nghĩa đối với cuộc sống và có khả năng mang lại khoái cảm cá nhân trong quá trình hoạt động. Sự hứng thú biểu hiện trước hết ở sự tập trung chú ý cao độ, sự say mê của chủ thể hoạt động. Sự hứng thú gắn liền với tình cảm con người. Trong bất cứ công việc gì, nếu có hứng thú làm việc, con người sẽ có cảm giác dễ chịu với hoạt động, làm nẩy sinh khát vọng hành động một cách có sáng tạo. Ngược lại, nếu không có hứng thú, dù là hoạt động gì cũng sẽ không đem lại hiệu quả cao. Đối với các hoạt động nhận thức, sáng tạo, hoạt động học tập, khi không có hứng thú, kết quả sẽ không là gì hết, thậm chí xuất hiện cảm xúc tiêu cực.

Việc học có tính chất đối phó, miễn cưỡng, người học may lắm chỉ tiếp thu được một lượng kiến thức rất ít, không sâu, không bản chất. Và vì thế dễ quên.

Biện chứng của vấn đề này là ở chỗ, khi có hứng thú, say mê trong nghiên cứu, học tập thì thì việc lĩnh hội tri thức trở nên dễ dàng hơn; ngược lại, khi nắm bắt được vấn đề, tức là hiểu được bài thì người học lại có thêm hứng thú. Trên thực tế, những người không thích, không hứng thú khi học môn học nào đó thường là những người không học tốt môn học đó. Chính vì vậy, việc tạo hứng thú cho người học được xem là yêu cầu bắt buộc đối với bất cứ ai làm công tác giảng dạy, đối với bất cứ bộ môn khoa học nào.

Đối với triết học nói riêng, các môn lý luận chính trị nói chung, bộ môn khoa học với những kiến thức khó, trừu tượng..., và vẫn thường được xem là khô khan, thì việc tạo hứng thú cho người học lại cần được quan tâm nhiều hơn, và dĩ nhiên cũng khó tạo sự hứng thú hơn.

:choangluon:

Vấn đề là làm thế nào để tạo hứng thú cho người học khi giảng dạy triết học?

Đây là một vấn đề khó, không có một cách thức, con đường chung cho mọi người. Sự hứng thú của người học phụ thuộc nhiều yếu tố như phương pháp giảng dạy, phong cách, ngôn ngữ, cách thức tổ chức quá trình học tập của giảng viên; chương trình, giáo trình; còn phụ thuộc rất nhiều vào đối tượng, ở đây là học sinh, sinh viên.

Vậy, thực tế vấn đề này như thế nào? Để tìm hiểu ý kiến của sinh viên xung quanh vấn đề hứng thú học tập triết học, chúng tôi đã tiến hành điều tra đối với 100 sinh viên đã học triết học theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên.

Với câu hỏi: Bạn đã bao giờ cảm thấy buồn ngủ khi tham gia các giờ học trên giảng đường chưa? Có 26% trả lời có; 66%: thỉnh thoảng; 8%: chưa; 0%: thường xuyên.

Với câu hỏi: Bạn đã bao giờ có cảm giác sợ đến giờ học triết học chưa? Có 28% trả lời chưa; 52%: đôi khi; 4%: thường xuyên; 16%: bình thường như các giờ học khác.

Khi được hỏi: Điều gì làm cho bạn cảm thấy nhàm chán nhất khi tham gia các giờ học trên giảng đường? Có 66% trả lời do phong cách của người dạy; 12%: nội dung bài học, môn học; 16%: việc sử dụng phương pháp; 0%: việc sử dụng phương tiện dạy học.

Câu hỏi: Điều gì quan trọng nhất tạo hứng thú cho người học? Có 80% trả lời nghệ thuật của người dạy; 7%: ý thức, trạng thái của người học; 10%: do đặc thù môn học quyết định; 3%: do các yếu tố, điều kiện khác.

Câu hỏi: Theo bạn, không khí lớp học quyết định như thế nào đến việc tạo hứng thú cho người học? Có 38% cho rằng đóng vai trò quyết định; 52%: rất quan trọng; 5%: bình thường; 5%: không quan trọng lắm.

Với câu hỏi: Yếu tố gì quyết định đến không khí của lớp học? Có 32% cho rằng do cách thức tổ chức giờ học của giảng viên; 40%: phương pháp mà giảng viên sử dụng; 10%: tầm quan trọng của bài học; 18%: ý thức của người học.

Còn với câu hỏi: Theo bạn, trong các giờ học, giảng viên có nên tạo một vài tình huống hài hước không? Có 10% cho rằng không nên; 26%: nên (vì nó góp phần thay đổi không khí lớp học); 64%: rất nên, nhưng phải gắn với nội dung bài học. 0%: tuyệt đối không.

Phân tích kết quả trên chúng ta thấy, việc có nhiều sinh viên không có hứng thú khi tham gia các giờ học triết học trên lớp là sự thật. Tình trạng đó, trên thực tế đã được báo động đối với nhiều môn học chứ không riêng gì triết học. Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố chương trình, giáo trình... Tuy nhiên, ở đây chúng tôi chỉ muốn bàn đến vấn đề trên xét trong quan hệ tương tác người dạy - người học.

Theo GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học thì việc này (người học không hứng thú với triết học), “không phải lỗi của sinh viên”[1]. Chúng tôi cũng thấy rằng, đó không phải lỗi tại triết học. Nó phụ thuộc nhiều vào người dạy triết học, vào cách người ta dạy triết học; và phần nào đó là phụ thuộc vào người học triết học.

Điều tra của chúng tôi cũng cho thấy, phần đa số ý kiến được hỏi đều trả lời, yếu tố quan trọng nhất tạo nên sự hứng thú hay không hứng thú cho người học phụ thuộc nhiều vào người dạy học. Cụ thể hơn, cơ bản vẫn là ở cách thức tổ chức giờ dạy của giảng viên, ở sự cuốn hút, hay nói cách khác là nghệ thuật của giảng viên khi lên lớp. Dĩ nhiên, điều làm cho sinh viên nhàm chán nhất cũng chính là do người dạy.



Kết quả trên cũng góp phần khẳng định, việc có hay không có hứng thú trong học tập quan trọng như thế nào đến chất lượng học tập. Việc dạy - học kích thích sức mạnh nội tâm đến một chừng mực nào đó thì sẽ có sức lôi cuốn, hấp dẫn chừng ấy. Ngược lại, những gì lôi cuốn làm ta say mê cũng đều kích thích sức mạnh nội tâm của chúng ta. Mà kích thích sức mạnh nội tâm chính là phát huy tối đa tâm lực của chúng ta, giúp ta phát huy được năng lực của mình.

Khi ta tiếp cận một bài thơ, nhiều khi ta thích nó mà không giải thích được vì sao, mà thậm chí cũng không cần phải trả lời câu hỏi đó. Đơn giản, chỉ là thích, là yêu, như yêu một bản nhạc, một bức tranh. Tuy nhiên, khi ta hiểu được cái hay, cái đẹp của nó thì cảm xúc thẩm mỹ sẽ ở một mức độ sâu hơn. Đối với tri thức triết học thì khác, nếu không hiểu về quy luật đó, không thấy được giá trị của nó trong thực tiễn đối với việc giải thích các hiện tượng, định hướng hành động với tư cách là thế giới quan thì người ta sẽ không thích, không có hứng thú về nó. Người dạy triết học phải làm cho người học thích triết học, thích học triết học. Muốn vậy, phải biến các bài dạy triết học sao cho mức độ phù hợp với người học. Kiến thức các nguyên lý, quy luật thì không thay đổi. Nhưng tuỳ với đối tượng có trình độ nhận thức như thế nào mà người dạy có thể truyền đạt mức độ nông sâu khác nhau. Và đặc biệt, điều quan trọng nhất là phải giản dị hoá các kiến thức triết học bằng cách đưa các tri thức triết học có tính chất hàn lâm, kinh viện về gần với cuộc sống hơn, dễ hiểu hơn với người học. Phải làm cho nguời học thấy được triết học, nhất là triết học Mác - Lênin thực sự là triết học cuộc sống, có ích cho cuộc sống, có ích cho người học. Bất cứ hiện tượng nào đó của cuộc sống, xét đến cùng đều có thể sử dụng kiến thức triết học để soi sáng, lý giải, và cao hơn, là cải tạo cuộc sống. Đối với triết học Mác - Lênin, các nguyên lý, quy luật, phạm trù..., các luận giải về sự vận động, phát triển của xã hội loài người đều được tổng kết từ thực tiễn. Nó không là sản phẩm của trí tưởng tượng thuần tuý, tư biện. Vì thế, việc gắn nó với thực tiễn cuộc sống là yêu cầu sống còn. Triết học mà xa rời cuộc sống thì nó sẽ trở nên thuần tuý lý thuyết, không có sức sống, người học không thấy cái hay, cái đẹp, cái có ích khi học nó và tất nhiên là không có hứng thú.

Vì vậy, theo chúng tôi, để tạo hứng thú cho sinh viên khi học triết học, trước hết người dạy phải yêu triết học, yêu thích công việc giảng dạy triết học của mình. Bởi vì, khi ta yêu công việc, ta sẽ dồn vào đó tâm huyết, sự say mê, nhiệt tình. Tình yêu ấy dần dần sẽ đến với người học.

Thứ hai, phải gắn triết học với hiện thực cuộc sống. Đây cũng là một nguyên tắc cơ bản của giáo dục. Trong giảng dạy triết học, người dạy có thể đưa các kiến thức triết học gắn với đời sống thực tiễn, liên hệ với thực tiễn bằng cách lấy các ví dụ. Tôi cho rằng, việc lấy các ví dụ thành công cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp người học hiểu bài và nhất là có thể tạo sự hứng thú cho người học. Muốn vậy, ví dụ trước hết phải phù hợp, phải đúng để giúp người học hiểu bài. Tiếp đến, ví dụ phải điển hình, phải hay. Và nếu có thể, thêm yếu tố hài hước. Như thế, tiết học sẽ trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ, giảm sự căng thẳng, dễ tạo hứng thú cho người học, đặc biệt là người học dễ nhớ bằng các liên hệ thực tiễn chứ không phải nhớ máy móc các kiến thức sách vở.

Thứ ba, người dạy phải làm chủ được giờ học, thấy được tín hiệu ngược chiều từ người học để chủ động thay đổi, điều chỉnh nhịp độ giờ giảng. Tránh tình trạng đều đều, buồn buồn, thầy giảng còn trò làm gì không biết!

Thứ tư, cố gắng tạo không khí lớp học nhẹ nhàng, không căng thẳng, đừng làm người học “sợ” (từ sợ thầy cô giáo dẫn đến sợ và chán môn học).

Dĩ nhiên, đây là vấn đề phức tạp và tuyệt không có khuôn mẫu chung cho mọi người. Những ý kiến trên hoàn toàn mang tính chủ quan từ kinh nghiệm 15 năm giảng dạy triết học của cá nhân. Rất mong được sự góp ý trao đổi của các đồng nghiệp.

:khoechua:
http://yhaiphong.net/yhp/archive/index.php/t-6139.html

0 comments:

Post a Comment

 
ឡើងទៅខាងលើទំព័រ ចុះទៅខាងក្រោមទំព័រ